TỪ THIỆN VỚI XÃ HỘI DUY TÌNH



Chúng ta luôn được giáo dục từ nhỏ câu "Lá lành đùm lá rách", thậm chí "Lá rách ít đùm lá rách nhiều", tinh thần tương thân tương ái mặc nhiên là 1 đức tính cần có ở mỗi người tử tế. Những ai có lòng hảo tâm, hay cho tặng, công đức, cúng dường...đều được ca ngợi, thường được cho là người tử tế, bất kể người đó có tính xấu khác mà ít bộc lộ hơn (ví dụ như tham nhũng, lừa đảo...). Vì thế, ca ngợi những người có lòng hảo tâm đương nhiên là dòng chính của dư luận. Ai mà nói ngược lại là bị đấu tố ngay.


Người VN lại có thêm 1 đặc tính nữa là sống thiên về cảm xúc, không nặng lý tính như Tây, khó mà phân biệt rạch ròi giữa công và tội, tốt và xấu, nếu có 1 mặt tỏ ra trội hơn hẳn. Tính cách đó còn gọi là tư duy nhị nguyên, 4 chân tốt, 2 chân xấu, phân biệt rất dễ, đỡ phải nghĩ nhiều.

Chế độ CS cũng thường có xu hướng tuyên truyền, đề cao xu hướng "mình vì mọi người", chấp nhận hi sinh quyền lợi cá nhân cho tập thể. Tính cá nhân, tư hữu bị coi là xấu xa trong các tình huống mà chính quyền muốn vận động đám đông đi theo 1 hướng. Người dân sống dưới chế độ CS cũng tự nhiên có tính cách như trên, đó là 1 phần của não trạng cộng sản.


Phối hợp 3 tính cách trên vào sẽ tạo nên 1 kinh nghiệm sống còn là đừng có dại mặt mà lội ngược dòng, nghi ngờ lòng từ tâm của ai đó đã và đang làm từ thiện! 


Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, từ thiện bừa bãi không phải lúc nào cũng tốt. Từ thiện mà lặp đi lặp lại cho 1 người, 1 nhóm người, 1 địa phương, theo kiểu cho con cá, không cho cần câu, sẽ gây nên tâm lý ỉ lại, người nghèo được cho tiền lâu ngày sẽ muốn nghèo bền vững. Người ăn xin mà xin được nhiều tiền thì sẽ muốn ăn xin chuyên nghiệp. Người tàn tật xin được nhiều tiền thì sẽ có nhiều người lành lặn bị biến thành tàn tật để đáp ứng như cầu thương xót của những tấm lòng từ thiện. Vô hình chung, làm từ thiện khi đó là làm hại xã hội, do tạo nên 1 lớp người ăn bám, gián tiếp biến những đứa trẻ lành lặn thành tàn tật, người lớn thì hóa trang để ăn xin cho được nhiều hơn. Đấy là mặt trái của từ thiện.


Xét dưới khía cạnh khoa học chính trị, thì cánh tả, cộng sản đều có xu hướng tuyên truyền, kích động tâm lý "nhường cơm xẻ áo", nhà nước thì lấy tiền của người giàu, người chăm chỉ làm việc để chia cho người nghèo, người lười nhác, ỉ lại. Nhà nước cũng tuyên truyền để người dân tự chia sẻ cho nhau như vậy dưới cái nhãn đạo đức, để giảm trách nhiệm của mình, cứ nhìn các đợt thiên tai và dịch bệnh là lấy. Vì thế, phe tả hay CS dễ được người dân đánh giá là đạo đức, vì dân, cấp tiến. Vì thế phe tả, CS cũng hay dùng chiêu bài này để dân túy, để lấy lòng dân. 


Nhưng về bản chất, nhà nước cũng như NHIỀU nhóm từ thiện thực ra là mượn đầu heo để nấu cháo, của người phúc ta. Vì nhà nước phân bổ ngân sách, lấy của người giàu chia cho người nghèo, thì bản chất cũng là người dân tự chia sẻ cho nhau thông qua nhà nước, chứ nhà nước đâu mất gì, thậm chí còn thất thoát nhiều. Đa phần các nhóm từ thiện cũng là vận động tiền của người khác để làm từ thiện, nhưng danh tiếng và lợi ích phát sinh thì chỉ họ được biết đến, chứ có ai biết tới những người góp tiền.


Làm từ thiện nói chung là không sai, nhưng lạm dụng và không suy tính, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách thì sẽ có hại cho xã hội. Mình vẫn cho rằng, cho cần câu chứ không cho con cá. Mình có thể giúp người cách kiếm tiền, dạy họ học hành, tư vấn cho họ trồng cây gì, nuôi con gì, cách chọn mua 1 căn hộ, ngôi nhà thế nào...chứ không thích cho tiền người khác, trừ khi họ bệnh tật, tai nạn, sắp chết. Nhưng thực tế mình hay bị coi là keo kiệt! Vì chẳng mấy ai nghĩ rằng mình tư vấn free cho họ chính là đang cho họ tiền, thậm chí nhiều tiền (mua nhầm 1 căn hộ có thể phải trả giá vài chục triệu hoặc hơn thế). Chọn nhầm 1 công việc có thể trả giá bằng cả sự nghiệp, mà chi phí tư vấn có thể chỉ 1 cốc sinh tố 30 ngàn! Thế nên mình mới bảo "Tôi chăn bò còn khổ hơn chăn trâu", làm phúc lại phải tội, có khi nó húc ngược lại.


Nhưng từ thiện kiểu cho con cá thì đỡ nhức đầu hơn, dễ được công nhận hơn, nhanh chóng thỏa mãn tâm lý thiện tâm hơn. Việc làm từ thiện nó cũng giúp cho người phát tâm sự sảng khoái tinh thần, có người thì thỏa mãn tính sĩ diện khi được người khác mang ơn, cho mình là hào phóng, cũng là 1 thứ thuốc an thần nhất là với những ai đã và đang làm việc thất đức, phi phạm.


Éo le thay, thực tế cho thấy, những ai càng làm điều thất đức, phi pháp, thì lại càng làm từ thiện nhiều, cúng dường, xây chùa nhiều. Đó là 1 cách mua chuộc thần phật, nhân tâm, để tẩy rửa đi những cái thất đức của mình. Trường hợp vợ chồng xã hội thâm Dương Đường ở Thái Bình là điển hình của thể loại này. Khi họ chưa bị bắt thì chắc chắn được người dân cho là tốt, tương tự vậy với bí thư Thăng! Chính mình đang bị 1 đứa khách hàng ôm 80 triệu trốn mất, nó còn nợ người ta vài tỷ khác, trong khi trước đó vẫn đi quyên tiền từ thiện như cô Tiên!

Đất nước toàn là những người thiện tâm như vậy nhưng lại có rất nhiều vụ lừa đảo dựa trên tín nhiệm. Đó là vay tiền tín chấp rồi bùng nợ, làm ăn cũng bùng nợ, rồi ôm tiền từ thiện, ôm tiền hụi/họ rồi trốn, dẫn đến anh em họ hàng giết nhau. Đa số những kẻ đó đều đề cao thiện tâm cả! Chung quy cũng là làm ơn mắc oán, cho vay tiền cũng là 1 cách từ thiện, giúp người, rồi bị bùng đó. Nhưng nếu không cho vay thì bị coi là vô cảm, sống thiếu cái tình.


Tâm lý của người làm từ thiện bừa bãi, cảm tính chỉ đơn giản mà thỏa mãn được tâm lý muốn giúp người cơ nhỡ, họ chẳng mấy quan tâm xem đồng tiền của mình có thực sự có ích hay không, có bị thất thoát hay không. Bởi vì đa số làm từ thiện cũng chỉ vài trăm, vài triệu, nên có mất cũng chả tiếc, lại tặc lưỡi là cũng có tý tiền đến được tới người dân! Khi MTTQ và các cơ quan nhà nước bị mất uy tín thì người dân chẳng biết làm từ thiện ở đâu, nên sẽ bám víu vào 1 vài cá nhân nào đó mà họ tin tưởng. Họ cho rằng, nếu có bị rơi vãi thì vẫn ít là nộp qua nhà nước. Vì chẳng còn chỗ bấu víu nào nên họ đặt toàn bộ niềm tin vào cá nhân họ chọn và phản ứng lại những ai không có niềm tin giống mình, không quên chụp cái mũ sân si, ghen ăn tức ở, vô cảm, không có thiện tâm. Nhiều người phản ứng dữ dội, vì niềm tin bị đổ vỡ nó đau đớn lắm, chẳng ai muốn tin! Dù họ chỉ bấu víu duy nhất vào niềm tin, như mê tín!


Với tình trạng vô pháp vô thiên, tư duy cảm tính, bầy đàn như hiện nay thì người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, vì vừa có tiếng, vừa có tiền (nếu muốn). Bất cứ mẹ bỉm sữa nào cũng có thể đứng ra quyên tiền. Hội nhóm nào cũng dễ dàng phát động quyên tiền để từ thiện. Hiện chẳng có luật nào, chính xác hơn là luật đã quá lạc hậu, để ràng buộc việc các tổ chức, cá nhân đứng ra quyên tiền.


Giải pháp là gì?


Trách nhiệm chính vẫn là do nhà nước thiếu luật. Lẽ ra cần có quy định cụ thể với trường hợp quyên góp đến tiền tỷ là bắt buộc phải minh bạch tài chính, phải có kiểm toán, được phép có chi phí quản lý, vận hành việc làm từ thiện. Quản lý đến số tiền nào đó thì buộc phải thành lập tổ chức, hoặc hợp tác với tổ chức từ thiện chuyên nghiệp.


Vấn đề ở đây là nhà nước muốn quản, muốn ôm các tổ chức từ thiện, nên việc lập tổ chức tư nhân làm từ thiện khó hơn lên trời. Nhà nước CS thì không hề muốn có các hội nhóm xã hội dân sự, nên họ chẳng muốn có tổ chức tư nhân nào có uy tín lớn để làm từ thiện. Vì thế cũng cần thông cảm cho ca sĩ TT về việc này.

Khi có luật rồi thì người dân không thể có cách tư duy kiểu tin tưởng tuyệt đối vào 1 cá nhân thu tiền tỷ, không thể tư duy kiểu không đóng tiền thì không được nói. Không thể có kiểu vay tiền rồi bùng. Người dân sống kiểu duy tình, âm tính, thì chính quyền phải ban hành luật để ràng buộc những mối quan hệ đó. 


Tóm lại, sự hỗn loạn trong việc làm từ thiện, vay tín chấp rồi bùng (bản chất gần giống) là trách nhiệm bởi chính quyền không ban hành luật để quản lý các mối quan hệ lợi dụng/tận dụng tín nhiệm đó. Chừng nào còn chưa có luật thì sự hỗn loạn còn tiếp diễn, xã hội còn phải nghi ngờ, đấu tố lẫn nhau.


Không phủ nhận rằng xã hội vẫn có những con người thiện tâm, bất vụ lợi, nhưng người ta quản lý vài trăm triệu, vài tỷ thì còn dễ kiềm chế lòng tham, chứ khi quản hàng trăm tỷ thì phải dựa vào luật và phải có sự kiểm soát độc lập, chứ không thể dựa vào niềm tin thuần túy. Sư sãi còn thụt két ầm ầm nữa là người thường.

Nhận xét