BÀI HỌC ĐẦU TIÊN VỀ DÂN CHỦ

BÀI HỌC ĐẦU TIÊN VỀ DÂN CHỦ

Hôm qua thằng con lớn nhà mình kể chuyện:

 - Lớp con bầu chi đội trưởng (lớp 8), bạn được nhiều phiếu nhất lại chưa vào đội, nên cô không cho làm chi đội trưởng mà chỉ làm chi đội phó! Bạn ý chẳng đeo khăn đỏ bao giờ.

Còn con cũng chưa được kết nạp đội, nhưng lên lớp 6 con cứ đeo khăn đỏ thì các bạn tưởng vào rồi, chả ai biết. Còn bạn kia vẫn không đeo.

Đến đây con Ngô em nó vỗ tay cười khành khạch:

- Hay quá, thế thì con cũng làm như anh, đỡ phải vào đội. Con ghét đeo khăn đỏ, vừa nóng lại thêm cái thòng lọng, mà có được gì đâu. Lên lớp 6 con tự đeo là thành vào đội, đỡ phải làm đơn như các bạn.

Thằng anh kể tiếp:

- Bạn ấy được phiếu cao nhất là do bạn ấy là "dân chơi", mà lớp con nhiều bạn "dân chơi", nên quý bạn ấy.

Mình mới hỏi:

- Thế sao bạn kia chưa vào đội mà lại được cô cho vào danh sách bầu?

- Chắc cô không để ý, cứ tưởng bạn nào cũng vào đội rồi, nên thấy các bạn đề cử là cô cho vào. Nhưng khi bạn ấy được bầu thì cô lại không cho làm chi đội trưởng. Chắc do cô không thích bạn ấy, vì bạn ấy là "dân chơi" (đại khái là cũng nghịch ngợm, khó bảo nhưng có uy tín với các bạn), nên cô lấy lý do bạn ấy chưa vào đội để không cho bạn ấy làm chi đội trưởng. Bạn có phiếu thứ 2 được làm.

- Thế chắc do các con kiểm phiếu chứ không phải cô?

- Đúng rồi, các bạn đếm mà.

- Đây là bài học đầu tiên về dân chủ mà bố vẫn dạy con đấy. Người được mọi người tín nhiệm bầu lên chưa chắc được làm lãnh đạo đâu. Bố mẹ cũng chỉ như các con thôi, nhưng các con còn được kiểm phiếu. Bố mẹ chả biết họ kiểm phiếu thế nào cơ.

Trước nó đã đọc cuốn Chính trị cho trẻ em (quên mất tên chính xác) do ca sỹ Trịnh Hữu Long dịch, nên cũng biết cơ bản rồi. Đây là ví dụ trực quan, đầu đời cho nó có nhận thức thực tiễn về bầu cử.

Nhận xét