Tây Sơn và Nguyễn Ánh - Những góc khuất lịch sử

Nhân lúc đọc cmt của mọi người ở đây https://www.facebook.com/Reds.vn/posts/755958244461860?comment_id=758941210830230&notif_t=like mình thấy nhiều bạn có đánh giá thiên lệch về các nhân vật Tây Sơn (Nguyễn Huệ là đại diện) và chúa/vua Nguyễn (Nguyễn Ánh là đại diện). Thực ra không chỉ ở FB mà ngay cả ngoài xã hội cũng có nhiều người nhìn nhận sai lệch như vậy, số người đánh giá sai còn đông hơn số người đánh giá đúng và công bằng. Đó là điều dễ hiểu, bởi vì chính quyền hiện tại có xu hướng bênh vực Tây Sơn và bôi nhọ triều Nguyễn. Lý do là vì chính quyền cho là họ có những điểm tương đồng với nhà Tây Sơn, cũng áo vải cờ đào, xuất thân nông dân, vùng lên khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến thối nát, đánh thắng "đế quốc to". Ngoài ra, Tây Sơn và chính quyền CS có 1 kẻ thù chung là nhà Nguyễn, kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn ta. Những người CS lật đổ nhà Nguyễn và chống lại chế độ quốc gia do ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn làm quốc trưởng nên phải tìm mọi cách xóa sạch hình ảnh tốt đẹp (nếu có) của vua chúa nhà Nguyễn ra khỏi tâm trí nhân dân. Thế nên sách giáo khoa lịch sử, sách báo chính thống đều phải đề cao vua quan nhà Tây Sơn, hạ thấp uy tín hoặc che giấu công lao vua quan nhà Nguyễn. Như vậy lịch sử trở thành công cụ của chính trị, đã có ít nhất 3 thế hệ có cái nhìn lệch lạc về 2 triều đại kể trên. Ngược lại, chế độ VNCH lại có nhìn nhận khách quan hơn về 2 triều đại này. Sài Gòn trước 1975 vẫn có tên đường Gia Long và các tướng của vua chúa Nguyễn như Trương Minh Giảng, Nguyễn Cư Trinh, Võ Tánh...đồng thời vẫn có trường võ bị Quang Trung, có tượng đài Quang Trung và các tướng nhà Tây Sơn, họ không phân rõ địch ta, chính tà như ngoài Bắc.  Mình viết note này không nhằm mục đích chứng minh điều ngược lại, tức là hạ thấp Quang Trung, đề cao Nguyễn Ánh mà chỉ muốn lột trần sự thật bằng như tư liệu khả tín, để những người bạn của mình (không mong là tất cả) có cái nhìn công bằng hơn về 2 triều đại kể trên.

Đánh giá về Quang Trung dưới góc nhìn hiện tại


Bấy lâu nay, người ta vẫn coi Nguyễn Huệ và anh em nhà Tây Sơn là anh hùng dân tộc, là người có công thống nhất nước ta  khỏi sự chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài, có công chiến thắng ngoại xâm là quân Xiêm và quân Thanh. Quang Trung còn là niềm cảm hứng lớn lao cho tinh thần chống Trung Quốc, là người dám có ý định lấy lại Lưỡng Quảng từ nhà Thanh, là nhà cải cách lớn điển hình là việc dùng chữ Nôm làm ngôn ngữ hành chính, mở rộng giao thương với nước ngoài. Tóm lại, Quang Trung là 1 người anh hùng không tì vết..

Hình ảnh về Quang Trung với góc nhìn không CS thì không khác lắm với đánh giá trên, nhưng không hoàn toàn giống, ông và triều Tây Sơn không hoàn toàn là không có chút tỳ vết. Nguyễn Huệ là người trí lớn, tài cao, có tham vọng rất lớn, muốn làm bá chủ thiên hạ, cho dù làm em Nguyễn Nhạc nhưng vẫn vượt mặt anh, là "giặc cỏ" (với quan điểm thời đó) nhưng muốn xưng đế. Với góc nhìn hiện tại thì là bình thường, được làm vua, thua làm giặc, cá lớn nuốt cá bé, nhưng với quan điểm phong kiến thời đó vẫn nặng Nho giáo thì đó là bất trung, bất nghĩa. Trong lịch sử VN chưa từng có kẻ tiếm ngôi (hoặc có âm mưu tiếm ngôi) nào có xuất thân nông dân áo vải, đều là quan to triều đình cũ như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Những anh hùng áo vải khởi nghĩa để lên ngôi đều phải là chống ngoại xâm như Lê Thái Tổ, Lý Nam Đế. Nguyễn Huệ tuy không dám ngang nhiên lật đổ vua Lê trước nhưng cũng làm cho Lê Chiêu Thống sợ mất mật mà chạy khỏi Thăng Long đến nỗi thân cô thế cô mà phải sang cầu viện Thanh triều. Nhiều người sẽ cãi lại mình, cho là vua chúa thối nát, nhu nhược thì lật đổ cũng chả sao, nhưng thực tế hồi đó không đơn giản thế. Chúa Trịnh truyền ngôi hơn 100 năm mà không dám thay vua Lê, Tào Tháo coi vua Hán như cỏ rác mà đến hết đời không dám lật.

Về việc Quang Trung muốn lấy lại Lưỡng Quảng

 Quyển Lịch sử VN của Lê Thành Khôi không đề cập đến việc này, có thể ông cho là truyền thuyết, nhưng lại nói là Quang Trung chuẩn bị quân đội để đi đánh Nguyễn Ánh. Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim có nêu tương đối chi tiết là sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, vua Càn Long giận lắm, cách chức Tôn Sỹ Nghị, thay bằng Phúc Khang An và chuẩn bị quân để đánh báo thù. Tuy nhiên Phúc Khang An cũng ngại đánh nhau trong khi Quang Trung lại cho người sang đút lót cả Khang An lẫn Hòa Thân (ông này dân VN còn biết rõ hơn cả Quang Trung!), lại muốn cầu phong nên 2 ông này tâu lên Càn Long để bãi binh. Càn Long phong Quang Trung làm An Nam quốc vương và đòi Quang Trung sang chầu. Quang Trung cho người giống mình sang chầu, làm Quang Trung giả, Càn Long không biết gì nên tiếp đãi trọng hậu như cha con, còn sai người vẽ truyền thần, bức tranh này vẫn hay được in trong sách. Kể từ thời nhà Mạc đánh nhau với chúa Trịnh thì vua Mạc chạy lên Cao Bằng và Tuyên Quang xin nhà Minh che chở nên phải cắt mấy châu cho nhà Minh. Sách LSVN của Đào Duy Anh nói là Quang Trung muốn lòi lại đất bị mất đó nhưng lại khiêu khích, thăm dò ý nhà Thanh bằng cách định đòi đất Lưỡng Quảng và cầu hôn công chúa nhà Thanh. Tuy nhiên khi sứ trên đường sang TQ thì Quang Trung chết (1792) nên sứ lại quay về, nhà Thanh không hề biết đến chuyện đó. Sách VN sử lược của Trần Trọng Kim thì nói là Quang Trung chỉ thăm dò nhà Thanh bằng cách đó thôi, chứ không phải ý thực, tuy nhiên cũng có chuẩn bị quân đội ráo riết. Mình phân tích logic thế này. Năm 1789 đánh quân Thanh xong mà Quang Trung không dám thừa thắng đánh tiếp, phải đút lót để nhà Thanh bãi binh, lại cầu phong, thì chỉ 3 năm sau là 1792 không có lý gì quân của Quang Trung lại phục hồi nhanh đến mức có thể đi lấy Lưỡng Quảng (to bằng toàn bộ đất của Quang Trung luôn). Về mặt lịch sử thì Lưỡng Quảng chưa bao giờ thuộc về đất VN, chỉ là thuộc Nam Việt của Triệu Đà (lúc đó chiếm cả Giao Chỉ và Cửu Chân là đất Đàng Ngoài sau này). Không lẽ Quang Trung không biết điều đó để làm điều ngang ngược là đòi đất Lưỡng Quảng? Hơn nữa, nhà Thanh thời Càn Long là rất thịnh trị, Quang Trung phá được quân Thanh ở thế tự vệ, đánh ngoại xâm thì đơn giản hơn nhiều là đem quân đi xâm lược 1 vùng đất lớn ngang nước mình, lại chưa bao giờ là đất của VN. Vì thế mình cho là ý đồ đòi đất nhà Thanh của Quang Trung là có, nhưng chỉ là đòi lại vài châu huyện ở giáp ranh, do nhà Mạc làm mất, như Đào Duy Anh viết. Còn việc đòi Lưỡng Quảng chỉ là thăm dò mà thôi.

Ai thống nhất đất nước?



Từ năm 1627-1673 chúa Trịnh với chúa Nguyễn giao tranh 4 lần bất phân thắng bại, chúa Nguyễn tuy yếu thế hơn nhưng ở thế phòng thủ, quân Trịnh ở thế công, đất đai, nguồn lực mạnh hơn nhưng vì đánh nhau ở xa nên không tài nào thắng được, hai bên phải giảng hòa, lấy sông Gianh làm giới tuyến, giống Nam Bắc Triều Tiên bây giờ, chả có hiệp ước hòa bình gì hết. Nhân dịp hòa bình với Đàng Ngoài thì chúa Nguyễn mở cõi vào Nam, xóa sổ nước Chiêm Thành rồi lấn dần đất Chân Lạp để có được vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh sau này. Quá trình mở cõi (nếu không muốn nói là xâm lược) này mình đã viết tại đây https://www.facebook.com/notes/d%C6%B0%C6%A1ng-qu%E1%BB%91c-ch%C3%ADnh/l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-nam-k%E1%BB%B3-v%C3%A0-m%E1%BB%91i-quan-h%E1%BB%87-vi%E1%BB%87t-nam-campuchia/355059781313658

Vào đời chúa Nguyễn thứ 9 là Nguyễn Phúc Thuần thì Đàng Trong xảy ra nội loạn, kẻ loạn thần là Trương Phúc Loan dựng lên chúa và chuyên quyền phế trưởng lập thứ, dân chúng oán thán, chúa thì ít tuổi (12 tuổi) nên không có thực quyền. Tình tiết này trong sách Lịch sử VN của Đào Duy Anh (một học giả VNDCCH - Xuất bản lần đầu năm 1955) thì viết là "chúa Phúc Thuần dâm loạn từ nhỏ nên bị liệt dương, không gần đàn bà được nên chúa bắt bọn ca đồng nuôi trong cung dâm loạn cùng cung nữ để chúa xem" (sách này không nói tuổi của chúa), trong khi đó trong quyển VN Sử lược của Trần Trọng Kim (giáo sư sử học thời 193x) và trong quyển Lịch sử VN của Lê Thành Khôi (học giả Việt kiều ở Pháp), bản tiếng Việt, thì không hề nói đến điều đó và có nói chúa lên ngôi năm 12 tuổi (sách của TTK) và 11 tuổi (sách của LTK). Đúng là dâm loạn từ năm 12 tuổi thì đáng bị liệt dương thật!!! Ví dụ để thấy là đọc sách sử VN thì phải xem tên tác giả và thời điểm ra đời đầu tiên. Quyển của Đào Duy Anh được dùng làm giáo trình lịch sử cấp đại học.

Đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho anh em nhà Tây Sơn nổi dậy. Năm 1774, tức là sau 101 năm hòa bình với chúa Nguyễn, chúa Trịnh Sâm nghe tin Đàng Trong có biến liền kéo quân vào chiếm được Phú Xuân, giết Trương Phúc Loan. Chúa Nguyễn chạy vào Quảng Nam rồi vào Gia Định. Quân Tây Sơn bị vào thế kẹp giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh nên đút lót tướng Hoàng Ngũ Phúc của chúa Trịnh, xin cắt đất giảng hòa, xin theo chúa Trịnh. Chúa Trịnh phong Nguyễn Nhạc làm tiên phong để đi đánh chúa Nguyễn. Tây Sơn đánh thắng chúa Nguyễn, giết sạch cả họ nhà chúa, trừ có Nguyễn Ánh là cháu gọi chúa bằng chú là chạy thoát. Năm 1778, sau khi lấy được Gia Định (lúc đó coi như là toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ từ Biên Hòa vào tới Cà Mau, chứ không phải chỉ có đất Sài Gòn), Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Như vậy, trên lý thuyết, thì chúa Trịnh Sâm thống nhất sơn hà cho nhà Lê, vì trước khi lên ngôi thì quân Tây Sơn đã về theo chúa Trịnh. Đấy là lý thuyết, trên thực tế khi thấy Tây Sơn về hàng thì chúa Trịnh cũng nhận thấy là không giữ nổi đất Thuận Hóa trở vào nên lại rút quân ra Bắc giữ Đàng Ngoài, Tây Sơn tiếp quản toàn bộ Đàng Trong của chúa Nguyễn.

Năm 1780, Nguyễn Ánh chiêu mộ quân sỹ rồi lấy lại được đất Gia Định, lên ngôi vương (chúa). Tây Sơn lại vào đánh, Nguyễn Ánh yếu thế nên toàn thua chạy ra Phú Quốc và Côn Lôn, tổng cộng 4 lần. Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm thì bị Nguyễn Huệ đánh tan 2 vạn quân ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Nguyễn Ánh phải cho con trai là hoàng tử (đúng ra phải gọi là thế tử?) Cảnh sang Pháp cầu viện.


Khi đó Đàng Ngoài cũng nội loạn y như Đàng Trong lúc Tây Sơn nổi lên. Chúa Trịnh Sâm chết thì bè đảng của thứ phi Đặng Thị Huệ  là quận Huy Hoàng Đình Bảo chuyên quyền, phế trưởng lập thứ là Trịnh Cán, mới 4 tuổi, lên ngôi chúa. Sau đó kiêu binh đất Thanh Nghệ nổi lên giết quận Huy lại lập con trưởng của Trịnh Sâm là Trịnh Khải lên ngôi chúa. Kiêu binh làm loạn khắp nơi, dân chúng oán hận ngút trời, là thời cơ cho Tây Sơn ra Bắc. Với hoàn cảnh đó Tây Sơn diệt xong chúa Nguyễn thì quay ra diệt nốt chúa Trịnh vào năm 1786. Nguyễn Huệ lấy được Thăng Long nhưng không dám cướp ngôi nhà Lê nên lại rút quân về Nam. Trên thực tế lúc đó có thể nói là Nguyễn Huệ - Tây Sơn đã thống nhất sơn hà nhưng trên lý thuyết thì Đàng Ngoài vẫn là của vua Lê nên không được tính là thống nhất đất nước. Lúc lấy được Thăng Long, cưới được công chúa Ngọc Hân thì Nguyễn Huệ dùng giằng muốn ở lại Bắc Hà nhưng Nguyễn Nhạc không đồng ý, theo ra Thăng Long để gọi vào Nam. Nguyễn Nhạc cho là đất Bắc là của vua Lê, dân Bắc không theo Tây Sơn nên bắt em phải vào. Lưu ý là lúc đó Nguyễn Nhạc mới là vua Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ quay vào Nam thì mới được phong làm Bắc Bình vương, giữ đất Phú Xuân ra đến Thanh Nghệ (Thanh Nghệ là đất vua Lê Chiêu Thống cắt để trả ơn Tây Sơn). Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn, cai quản từ Quy Nhơn vào tới Gia Định, Nguyễn Lữ được phong làm Đông Định Vương đóng đô ở đất Gia Định. Tây Sơn chia làm 3 nước độc lập, mỗi ông 1 mảnh, từ Thanh Hóa ra vẫn là của vua Lê Chiêu Thống.

Thời điểm này có mấy tình tiết mà sách sử hiện nay lờ đi. Một là việc Nguyễn Huệ đem quân đi đánh Nguyễn Nhạc, có thể vì hiềm khích vì chuyện kể trên, đến nỗi Nguyễn Nhạc phải xin thua, cắt đất cầu hòa. Hai là, công chúa Ngọc Hân muốn Lê Duy Cận, là chú của Lê Duy Kỳ (tức Lê Chiêu Thống) lên ngôi kế nghiệp vua cha là Lê Hiển Tổng, tức là muốn phế trưởng lập thứ. Lê Duy Kỳ là cháu đích tôn của vua Hiển Tông, là ngành trưởng. Nhưng vua Hiển Tông đã quyết để Duy Kỳ kế nghiệp nên Nguyễn Huệ và Ngọc Hân phải theo. Có thể vì hiềm khích này mà sau này tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc) ra Thăng Long diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (là người được Chiêu Thống nhờ cậy), rồi Nguyễn Huệ ra Thăng Long diệt Vũ Văn Nhậm, đã làm cho vua Chiêu Thống sợ quá mà bỏ chạy sang Bắc Ninh rồi cho người sang Tàu cầu viện. Nếu chúng ta biết được lý do dẫn đến việc Chiêu Thống phải cầu viện thì sẽ thông cảm cho ông ta cái tội cõng rắn cắn gà nhà. Lý do dẫn đến vua Chiêu Thống phải bỏ chạy đi cầu viện làm mình thắc mắc khá lâu. Nếu Nguyễn Huệ không lăm le lấy nốt Bắc Hà thì sao Chiêu Thống phải bỏ Thăng Long mà chạy?

Sau khi Lê Chiêu Thống chạy thì Nguyễn Huệ lập chính Lê Duy Cận làm giám quốc, nhưng chả có thực quyền, quyền lực lúc đó rơi cả vào tay quân Tây Sơn là Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Phan văn Lân. Tuy nhiên vì Tây Sơn không dám phế vua Lê nên vẫn không được coi là thống nhất sơn hà cho dù lúc đó họ quản lý gần như toàn bộ đất nước. Đúng 1 năm sau đó, 1788, thì Nguyễn Ánh lại lấy lại được đất Gia Định. Đến năm 1789, Nguyễn Huệ xưng đế (lúc đó Nguyễn Nhạc vẫn là vua ở đất Quy Nhơn), Quang Trung đại phá quân Thanh, chính thức đủ lý do để lật đổ vua Lê, lấy đất Bắc Hà thì cũng vẫn không được coi là thống nhất đất nước do vẫn có Nguyễn Nhạc làm vua ở Quy Nhơn, Nguyễn Ánh làm chúa ở Gia Định, từ Phú Xuân ra đến Bắc Hà là đất của Quang Trung mà thôi.


Năm 1793, 1 năm sau khi Quang Trung mất, Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cầu cứu vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) ở Phú Xuân, Cảnh Thịnh cho quân giải vây rồi cướp lấy thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc uất quá thổ huyết mà chết. Lúc đó coi như Tây Sơn mới thống nhất thành 1 nước, nhưng Gia Định vẫn nằm trong tay Nguyễn Ánh nên vẫn không coi là thống nhất đất nước.
Đến năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, xưng đế hiệu Gia Long, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc thì bị dân bắt đem nộp cho quân Nguyễn, nhà Tây Sơn chấm dứt, lúc đó mới được coi là thống nhất đất nước vì không còn thế lực cát cứ nào khác nữa.

Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam, nước Việt Nam lúc này có Chân Lạp và 1 số tiểu quốc ở Hạ Lào làm chư hầu, trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Gia Long tạo nên tiền đề để cho con ông là vua Minh Mạng tạo dựng nên 1 nước Đại Nam (đổi từ tên Việt Nam sang) có diện tích lớn nhất trong lịch sử VN, bao gồm khoảng 2/3 nước Chân Lạp (lúc đó đã bị Đại Nam sáp nhập, đổi thành Trấn Tây thành) và vùng Hạ Lào (xin nhập vào Đại Nam). Tuy nhiên, đến thời Tự Đức (cháu Minh Mạng) thì thực dân Pháp chiếm VN, thành lập liên bang Đông Dương, chia lại lãnh thổ 3 nước Cao Miên, Lào, VN theo địa giới cũ, nước VN cũng bị chia theo địa giới cũ là Nam Kỳ (nguyên là Thủy Chân lạp), Trung Kỳ (nguyên là đất gốc Đàng Trong và Chiêm Thành, đất cũ của chúa Nguyễn nên cho vua Nguyễn quản lý) và Bắc Kỳ (nguyên là Đàng Ngoài). Đất Bắc Kỳ và Nam Kỳ không phải nguyên gốc của chúa Nguyễn nên Pháp không cho vua Nguyễn quản lý mà thành thuộc địa và nửa thuộc địa của Pháp.

Tây Sơn - Nguyễn Huệ có gặp thời?


Như vậy có thể nói ngoài tài năng quân sự thì Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng gặp may, nhân cơ hội cả 2 chúa yếu thế, bị nghịch thần thao túng, dân chúng oán thán nên mới diệt được. Bằng chứng là Tây Sơn không dám đánh chúa Trịnh Sâm mà phải xin hàng vì khi đó chúa Trịnh vẫn đang rất mạnh. Chúa Nguyễn Phúc Thuần, sau này là Nguyễn Ánh thì lúc đó cũng còn quá trẻ dại, quân tướng bên dưới thì không có ai tài giỏi nên đánh nhau với Tây Sơn đương nhiên là phải thua. Về tuổi tác, kinh nghiệm trận mạc, sức mạnh quân sự của Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh vào thời điểm này là quá chênh lệch nên việc so sánh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Huệ với quân Nguyễn Ánh là rất khập khiễng. Lưu ý là Nguyễn Ánh không được nối ngôi chúa 1 cách chính thức, không được kế thừa nghiệp chúa với gia tài, quyền lực, quân đội có sẵn mà phải gây dựng từ tay trắng trong lúc trốn chui trốn lủi ở nơi rừng thiêng nước độc là đất Gia Định.

Tội của Nguyễn Ánh?


Nguyễn Ánh chỉ được biết đến là kẻ cõng rắn cắn gà nhà, đem voi về dày mả tổ (cụm từ này hình như sử gia CS chế ra?) và là kẻ tiểu nhân độc ác với việc trả thù tàn bạo mồ mả anh em nhà Nguyễn Huệ cùng với các tướng Tây Sơn. Còn còn hình ảnh các chúa Nguyễn thì rất mờ nhạt trong sách sử và sách báo chính thống, đại để là cũng thối nát nên mới bị Tây Sơn khởi nghĩa, đánh đổ. Một chi tiết mà sách sử hiện nay mập mờ là việc Nguyễn Ánh cầu cứu nước Pháp sau khi Xiêm thua Tây Sơn. Thực tế là Nguyễn Ánh đã ký 1 hiệp ước với Pháp vào năm 1787, nước Pháp cam kết hỗ trợ Nguyễn Ánh lấy lại vùng đất bị mất, đổi lại thì Nguyễn Ánh trả cho Pháp đảo Côn Lôn và Đà Nẵng, Pháp được tự do giao thương ở Đàng Trong. Tuy nhiên, hiệp ước này không được thực hiện do phía Pháp, 1 phần là vì do lúc đó sắp sửa xảy ra Cách mạng Pháp nên triều đình Pháp không thực hiện hiệp ước. Sau đó cố đạo Bá Đa Lộc vẫn hỗ trợ Nguyễn Ánh với tư cách cá nhân bằng cách mộ lính đánh thuê và mua tàu chiến, số lượng lính Tây này tối đa mới gần 100 người nhưng họ cũng bỏ đi gần hết vào năm 1792 (trước khi Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn). Khi đó Nguyễn Ánh không giữ đám này, muốn dùng thực lực để khôi phục vương quyền và ông đã thành công.

Về lý do tại sao Gia Long trả thù tàn nhẫn nhà Tây Sơn thì các bạn đọc thêm ở đây http://www.reds.vn/index.php/lich-su/vinh-quang-dai-viet/7849-moi-han-cua-vua-gia-long-voi-nha-tay-son Ở trên mình cũng có nói đến việc Tây Sơn tận diệt cả họ nhà chúa Nguyễn, chỉ có mình Nguyễn Ánh chạy thoát, lại đuổi đánh Nguyễn Ánh đến thế cùng lực kiệt, bôn ba khắp mấy đảo, sao tránh khỏi căm thù.

Về việc "cõng rắn cắn gà nhà" thì theo mình là việc thường xảy ra từ thời phong kiến đến tận thời hiện đại. Không có gì là ghê gớm cả. Có thể dẫn ra vài ví dụ mà chính VN ta là con rắn. Đất Nam Kỳ mà chúa Nguyễn lấy được hầu hết là do Chân Lạp nội loạn, tranh ngôi vua nên phải cầu cứu Xiêm và chúa Nguyễn. Chúa thường thắng, dựng vua Chân Lạp, đổi lại thì vua Chân lạp cắt đất cho chúa Nguyễn để trả công, đó là việc bình thường thời phong kiến, khi nhà vua thường coi lãnh thổ quốc gia là của riêng mình, thích cho ai thì cho. Giống như chúng ta cắt đất cho hàng xóm mà thôi. Nước VN mở rộng được như ngày nay cũng là nhờ làm con rắn, con voi như vậy. Thời hiện đại thì có Kim Nhật Thành cõng rắn TQ về cắn gà nhà. Heng Samrin, Hunsen...cõng rắn VN về cắn gà nhà, VN ở lại "bảo hộ" Campuchia như thời Minh Mạng. Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Phan Huy Quát (chứ không phải Ngô Đình Diệm) cõng Mỹ về cắn gà nhà... Chính quyền VNDCCH cũng đã từng cầu viện Mỹ, ông HCM gửi thư cho Truman, nhưng không được đáp ứng, sau đó cầu viện TQ, LX và được đáp ứng, dẫn đến chiến thắng. Việc này rất là bình thường trong lịch sử tranh giành quyền lực, được thì làm vua (như Gia Long hay chính quyền hiện tại), thua thì làm giặc (như Lê Chiêu Thống hay VNCH), không có gì đáng để thổi phồng.
---------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến thế kỷ 19 (Đào Duy Anh)
Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 (bản tiếng Việt của Lê Thành Khôi)
Việt Nam Sử lược (Trần Trọng Kim)

Nhận xét