VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ NỀN KINH TẾ VNCH (Phần 1)

1. Tổng quan về kinh tế VNCH

Viết về chế độ cũ là đề tài rất nhạy cảm mà thường sách báo chính thống bây giờ rất khó để có thể viết hoàn toàn khách quan do sức ép của việc được xuất bản. Vì thế, khi mình tham khảo sách báo của chế độ mới thì cũng phải gạn đục khơi trong, tự lọc những thông tin thuần túy tuyên truyền, rồi so sánh với thông tin có được từ sách của VNCH để chọn ra điểm trùng khớp, tạm cho là sự thật. Điều làm mình thấy nể nhất là trí thức, thậm chí cả quan chức VNCH, họ được quyền viết 1 cách khách quan, khoa học, được đả phá những cái sai về đường lối chính sách của chính quyền mà họ đang phục vụ. Điều này chứng tỏ VNCH có được sự tự do, khai phóng trong giáo dục và xuất bản. Điều này không thể có ở chế độ CS.

Kinh tế VNCH được chia làm 5 giai đoạn: 55-60, 61-64, 65-67, 68-72, 73-75. Phân chia như vậy là do mỗi giai đoạn đều có những biến cố về chính trị, mà chính trị thì ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Thường sách báo CS mà không chuyên sâu sẽ cố tình trộn tất vào nhau để phán chung chung, như thế không chính xác.

Giai đoạn 55-60 là giai đoạn hoàng kim của VNCH, có tài liệu tính luôn cả năm 54 vào, cũng không sao, nhưng vì năm 55 mới có VNCH nên mình chỉ lấy mốc 1955. Đó là vì đây là 5 năm hòa bình của miền Nam, ông Diệm rất có uy tín trong nước và quốc tế, được các nước đồng minh ủng hộ. Tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế là khoảng 5%, giá cả tăng không đáng kể, ngân sách quốc gia được quân bình.

Giai đoạn 61-64, với cái mốc thành lập MTDTGPMNVN nên chiến sự gia tăng, thì không có nền kinh tế nào chịu nổi. Xây cái cầu có khi mất 3 năm, nhưng để đánh sập nó chỉ cần 3 người với dăm chục cân thuốc nổ. Năm 61, 63 có 2 cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của anh em ông Diệm. Lẽ ra VNCH đã có thể sụp đổ vào giai đoạn này, nếu không có quân đội Mỹ can thiệp. Ngân sách bắt đầu bị thiếu hụt, từ 1 tỷ đồng vào năm 61 thành 12 tỷ vào năm 64. Khối tiền tệ tăng 10 tỷ vào mấy năm này, tốc độ tăng trưởng còn 2,2%, giá cả tăng 4%/năm. Giai đoạn này chính trị bất ổn nhất với đảo chính liên miên khiến kinh tế suy sụp.

Giai đoạn 65-67, đây là giai đoạn có sự gia tăng đột biến của quân đội Mỹ và đồng minh. Sự gia tăng quân đội nước ngoài khiến mãi lực tăng đột biến, vì vài trăm ngàn quân nước ngoài đều có mức chi tiêu trên trung bình so với người Việt. Sự gia tăng chi phí quốc phòng cũng khiến ngân sách thâm hụt. Từ 29 tỷ năm 65 thành 42 tỷ năm 67. Khối tiền tệ gia tăng 55 tỷ, tức mỗi năm tăng 68%. Giá cả tăng trung bình 62%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng chỉ 3,9%.

Giai đoạn 68-72, đây là giai đoạn chiến tranh ác liệt với cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân và VNCH có được nền đệ nhị CH, chính trị đi vào ổn định. Nhưng kể từ đây, quân đội Mỹ và đồng minh lại bắt đầu rút, khiến mãi lực ngoại quốc lại sụt giảm đột ngột trong khi chiến sự không giảm. Quân đội Mỹ đang từ khoảng 500ng vào năm 69 mà đến năm 73 thì rút sạch, chỉ còn lại nhân viên dân sự chưa tới 1/10 số lượng, khiến mãi lực từ trên mây rơi xuống đất. Quân đội VNCH phải gia tăng quân số và trang bị để thế chỗ cho quân đồng minh, khiến cho ngân sách càng thâm hụt nặng nề để gia tăng quân phí và khắc phục hậu quả chiến tranh (Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa 72). Thâm hụt ngân sách lên đến 195 tỷ trong vòng 3 năm. Khối tiền tệ tăng lên 81 tỷ, tức 33% mỗi năm. Vật giá gia tăng trung bình 39%/năm. Tổng sản lượng quốc gia tăng trung bình có 0,8%/năm!

Giai đoạn 73-75 thì tư liệu từ sách trước 75 mình không có đầy đủ, có thể vì chưa kịp xuất bản sách thì chế độ đã sụp rồi. Nhưng thực tế là kinh tế VNCH trở nên bi đát nhất trong lịch sử vì bị QH Mỹ cắt giảm đột ngột viện trợ sau HĐ Paris. Chế độ VNCH như chiếc xe tăng bị hết xăng, hết đạn trở nên vô dụng. Việc cắt giảm viện trợ đột ngột khiến nền kinh tế không kịp trở tay.

(Còn tiếp)

Nhận xét