CHIẾN DỊCH LINEBACKER 2 - NHÌN TỪ PHÍA MỸ

Dịp Noel năm nào cũng là dịp kỷ niệm đợt ném bom khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh VN mà phía Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker 2, còn phía VN gọi là 12 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Chiến dịch này dân VN không ai không biết, nhất là dân HN, thông tin từ phía VN thì quá nhiều rồi, sách báo nói mãi mấy chục năm nay, mình không nhắc lại nữa và đây là góc nhìn từ phía Mỹ, để mọi người tham khảo và chỉ nêu nhưng vấn đề khác biệt với góc nhìn từ trong nước. Như mọi khi, đây là mình trích từ sách lề phải, của NXB Sự Thật hẳn hoi, để mọi người yên tâm tương tác!

Khi HĐ Paris đã đi đến hồi kết giữa Mỹ và VNDCCH thì phía VNCH vẫn khăng khăng không chấp nhận, vì cho là Mỹ đã nhượng bộ phía CS quá nhiều. Chẳng hạn như điều khoản Mỹ và đồng minh rút quân nhưng quân Bắc Việt lại được ở lại...Kissinger, được chỉ thị của Nixon, phải ép Lê Đức Thọ - Xuân Thủy để thỏa mãn yêu cầu của Nguyễn Văn Thiệu về vấn đề rút quân Bắc và vấn đề Lào, Campuchia và 1 số vấn đề nhỏ khác. Lê Đức Thọ không đồng ý và Kissinger, Nixon muốn tỏ ra có trách nhiệm với đồng minh nên quyết định dừng đàm phán để đánh bom miền Bắc. Việc ông Thiệu chống đối quyết liệt lại những thỏa thuận đã đạt được của Kissinger và Lê Đức Thọ cũng cho thấy là VNCH không phải là Ngụy quyền và TT Thiệu cũng chả phải bù nhìn của Mỹ. Nixon gửi cho VNDCCH 1 bức tối hậu thư yêu cầu chấp nhận bản thỏa thuận trong ngày 23-11 nếu không muốn bị đánh bom, trong vòng 72h. HN không trả lời, ngày 18-12 Mỹ bắt đầu không kích HN và HP, lần đầu tiên kể từ khi có chiến tranh.

Phía VNDCCH bắn đi khoảng 200 quả tên lửa SAM để hạ được 3 máy bay B-52 (số liệu phía VN đưa ra thì số tên lửa chỉ bằng khoảng 1/8). Hai ngày sau Mỹ lại không kích tiếp, ngày 19/12 không có B-52 nào bị hạ, nhưng ngày 20/12 thì có đến 6 chiếc bị bắn cháy bằng 220 quả tên lửa. Ngày 21/12, chỉ 30 máy bay B-52 được huy động và 4 chiếc bị cháy. Các phi công Mỹ cho là phương án bay đã khiến cho B-52 dễ bị bắn hạ. Đó là do đội hình bay cố định, cùng độ cao, cùng hướng bay, khiến cho phòng không của VNDCCH dễ dàng phán đoán được vị trí máy bay (cho dù thực tế rada đã bị gây nhiễu). Phía VNDCCH đã dùng máy bay Mig bay lên để đo độ cao và hướng bay của B-52 và tên lửa được bắn theo kinh nghiệm (xác suất) vào vùng nhiễu do B-52 tạo ra.

Một số phi công Mỹ đã gửi thư cho 1 nghị sỹ Mỹ để phê phán không lực Mỹ đã để tổn thất lớn. Vì thế nên kể từ ngày 22/12, các máy bay xuất phát ở các thời điểm khác nhau, hành trình và cao độ khác nhau. Mỹ còn cho các máy bay khác không kích các trận địa tên lửa trước khi B-52 xuất kích. Kết quả là các ngày 22, 23, 24 không có chiếc B-52 nào bị bắn rơi. Vào 6h chiều ngày 24/12, Nixon ra lệnh ngừng ném bom 36 tiếng vào dịp Noel, hi vọng là phía VNDCCH sẽ nhân cơ hội để đề nghị đàm phán, nhưng điều đó không xảy ra.

Ngày 26/12, đợt không kích ác liệt nhất trong chiến tranh VN xảy ra. Mỹ huy động 120 chiếc B-52 bắn phá 10 tổ hợp mục tiêu ở HN, HP và Thái Nguyên. Chỉ trong 15 phút, máy bay rải 4000 tấn bom san phẳng nhiều nơi, trong đó có phố Khâm Thiên. Chỉ có 2 chiếc B-52 bị bắn cháy, trong đó có 1 chiếc đã bay về được đến Thái Lan. Chiều hôm đó phía VNDCCH thông báo là họ muốn nối lại đàm phán. Để tránh cho Nixon thấy là cuộc tập kích là lý do dẫn đến quyết định này, VNDCCH nói với Nixon là ngừng bắn không phải là điều kiện tiên quyết cho đàm phán. HN đề xuất ngày 8/1/1973 sẽ nối lại đàm phán. Phía Mỹ yêu cầu các cuộc thảo luận kỹ thuật sẽ bắt đầu vào ngày 2/1, 1 ngày trước khi QH Mỹ họp. VNDCCH chấp thuận ngay.

Ngày 27/12, 60 máy bay B-52 ném bom HN và biên giới Việt - Trung (chặn đường tiếp vận), 2 chiếc bị hạ. Nhưng 2 ngày 28, 29 thì không có chiếc nào bị bắn rơi. 17 phút trước 12h đêm ngày 29/12/1972, Mỹ thả quả bom cuối cùng trong chiến dịch không kích. Vào thời điểm đó, lượng tên lửa của VNDCCH cũng cạn dần.

Như vậy, thực chất chiến dịch ĐBP trên không không kéo dài 12 ngày đêm mà chỉ khoảng 10 ngày (trừ 36 tiếng tạm hoãn). 200 chiếc B-52 đã thực hiện 729 phi vụ xuất phát từ Guam và Thái Lan, còn các loại máy bay khác tiến hành 1216 phi vụ. Tổng cộng các loại máy bay thả 20370 tấn bom xuống miền Bắc VN, chủ yếu là HN khiến VNDCCH bị tổn thất nặng nề. Đợt không kích phá hủy 1600 khu quân sự, 372 toa tàu và xe tải, 25% lượng dầu của VNDCCH, 80% số nhà máy điện và vô vàn các nhà máy và hạ tầng khác. VNDCCH bắn khoảng 884 tên lửa SAM 2, vì thế còn lại rất ít tên lửa. Loại SAM 3 đã được LX cung cấp nhưng chưa kịp khai hỏa, có thể do quá mới. Mỹ mất 15 máy bay B-52 và 11 chiếc khác. Có 33 phi công B-52 bị bắt, 14 người bị chết, 14 người khác mất tích. Toàn bộ B-52 bị bắt cháy bởi SAM 2, trong khi thông tin từ VN thì có 2 chiếc bị hạ bởi Mig và cả cao xạ!

Số liệu phía VN rất khác biệt. Có đến 34 chiếc B-52 bị hạ cùng 47 chiếc loại khác và đặc biệt là số lượng tên lửa được sử dụng nhỏ hơn số liệu từ phía Mỹ cung cấp rất nhiều (các bạn tra wiki Việt Nam để biết chi tiết). Phía VNDCCH cho đây là 1 thắng lợi hào hùng.

Về cáo buộc Nixon phạm tội diệt chủng thì phía Mỹ cho là không chính xác bởi vì đợt không kích đã được báo trước và thực tế đa số dân HN và HP đã được tản cư. Đợt không kích này có số lượng dân thường chết quá thấp so với các đợt không kích có quy mô tương tự vào Dresden, Hamburg (Đức), Tokyo (Nhật) trong thế chiến 2. Trong đó đợt không kích xuống Tokyo khiến 83000 người chết trong khi HN chỉ có khoảng 1300 người tử nạn và khoảng 1200 người bị thương. Mấy vụ đánh bom xuống khu vực dân cư là do nhầm mục tiêu, có 6% các đợt không kích của B-52 là sai mục tiêu.

Nhận xét