THỜI NỘI CHIẾN TRỊNH - NGUYỄN - TÂY SƠN NƯỚC TA QUỐC HIỆU VÀ CƯƠNG VỰC THẾ NÀO?

Vừa rồi đọc trang FB chế của HS trường Olympia về vua Quang Trung, mình nhìn thấy có câu "Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Đại Việt" nên mới nhớ ra chuyện này để viết. Thực ra viết thế là sai, Tây Sơn lúc đó đâu phải là Đại Việt.

Mình tra Google về quốc hiệu VN đều thấy ghi là quốc hiệu Đại Việt tồn tại đến hết thời Tây Sơn, năm 1802. Thực ra, trong các tài liệu mình đọc thì từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh đã không hay thấy dùng quốc hiệu Đại Việt nữa mà chỉ gọi là Đàng Ngoài - Đàng Trong hay Bắc Hà - Nam Hà (từ này ít dùng, không phổ biến như Bắc Hà). Người nước ngoài còn gọi luôn là vương quốc Đàng Trong, Đàng Ngoài. Tuy nhiên, vì không có vua Lê nào chính thức đổi quốc hiệu nên đất Đàng Ngoài vẫn coi như có quốc hiệu chính thức là Đại Việt.

Đất Đàng Trong bản chất là độc lập với Đàng Ngoài, chúa Nguyễn chỉ lấy tiếng là phò Lê diệt Trịnh nên không dám xưng đế mà thôi chứ cũng đã xưng vương rồi. Thời kỳ này giống hệt thời Tam Quốc bên Tàu. Trên lý thuyết cả 3 nước Ngụy, Thục, Ngô đều là đất nhà Hán nhưng thực tế 3 nước này độc lập với nhau. Nhưng Đàng Trong - Đàng Ngoài lại khác Tam Quốc ở chỗ là Đàng Trong chỉ có 1 phần rất nhỏ là gốc của Đại Việt, là đất Quảng Nam, mà thực chất cũng là đất mà Đại Việt mới chiếm của Chiêm Thành, còn rừng thiêng nước độc. Còn từ Quảng Nam vào đất Hà Tiên (gồm cả Cà Mau bây giờ) là đất "mở cõi" của chúa Nguyễn, chả liên quan gì đến Đại Việt cả. Vì thế nên coi Đàng Trong là Đại Việt thì rất khiên cưỡng. Khác với thời Tam Quốc thì 3 nước kia đều là đất của nhà Hán cũ.

Đến khi Tây Sơn nổi lên, họ chiếm 1 vùng đất của Đàng Trong, nên càng không thể coi là Đại Việt được. Đại Việt chỉ có tới Nghệ An mà thôi. Chính vì đất Đàng Trong không phải là đất gốc của Đại Việt (Đàng Ngoài) nên khi chúa Trịnh Sâm đánh Đàng Trong, chiếm được Phú Xuân rồi thì dừng lại, không đánh tiếp vào chiếm Gia Định (Nam Kỳ sau này) mà chấp nhận để cho Tây Sơn về hàng để diệt chúa Nguyễn thay mình.

Đến khi Trịnh Sâm chết, Tây Sơn chiếm được hết đất Đàng Trong, rồi đánh ra Thăng Long, diệt chúa Trịnh Khải, thì bản chất là Đàng Trong đánh ra Đàng Ngoài. Nhưng vì sợ cái tiếng cướp ngôi nên Nguyễn Huệ không dám lật vua mà lại rút về Nam. Lúc đó đất Đàng Trong chia làm 3 do 3 anh em Tây Sơn chiếm giữ cát cứ gần như độc lập với nhau và cũng độc lập với Đàng Ngoài (Đại Việt) của vua Lê. Mình nói là độc lập bởi vì chính vua Lê Chiêu Thống cắt đất Nghệ An để tặng cho Nguyễn Huệ vì cái công diệt Trịnh phò Lê. Nếu vẫn cùng 1 nước thì cắt đất ban thưởng làm quái gì. Đất đó Nguyễn Huệ giao cho Nguyễn Hữu Chỉnh trấn thủ.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung trước khi đánh ra Bắc, diệt quân Thanh, thì không rõ là hoàng đế nước nào? Bởi vì trung ương hoàng đế là Nguyễn Nhạc vẫn còn đấy, Nguyễn Lữ cũng là 1 vua khác thì vừa bị Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, đất Đại Việt thì vẫn chưa chiếm được tuy có bảo hộ (bởi Ngô văn Sở và Ngô Thì Nhậm), vua Lê Chiêu Thống vẫn còn đó nhưng chạy dạt sang Bắc Ninh.

Sau khi đại phá quân Thanh, nhà Tây Sơn (chính xác thì chỉ là Nguyễn Huệ đánh quân Thanh thôi chứ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ không liên quan) thôn tính luôn Đàng Ngoài (Đại Việt) của vua Lê thì Nguyễn Huệ mới thực sự là vua nước Đại Việt. Nhà Tây Sơn lúc đó có 2 vùng đất, 1 của Quang Trung là đất Đại Việt vào đến Phú Xuân, 2 là đất của vua Nguyễn Nhạc đóng đô ở Quy Nhơn, còn vùng thứ 3 là Gia Định (Nam Kỳ) vẫn thuộc về Nguyễn Ánh! Như vậy cương vực của Đại Việt lúc đó đến đâu? Mình cho là chỉ đến Phú Xuân mà thôi.

Chính vì lẽ đó mà khi Gia Long thống nhất đất nước, bản chất là Đàng Trong thôn tính Đàng Ngoài, xóa bỏ nhà Tây Sơn (trước đó nhà Tây Sơn xóa bỏ nhà Lê), thì mới đổi quốc hiệu thành Việt Nam.  Như vậy, Nguyễn Ánh đã ngầm phủ định cái gốc Đại Việt của mình rồi, nên mới đổi tên.

Quốc hiệu và cương vực trong thời kỳ này cực kỳ phức tạp, phân chia rạch ròi như trên thì nhạy cảm, sách báo lề phải sẽ không dám vì e ngại động đến sự toàn vẹn lãnh thổ và cái chính danh, hòa thuận của anh em Tây Sơn.

Nhận xét