TẢN MẠN VỀ NGHỀ NHÂN NGÀY KIẾN TRÚC VIỆT NAM

Mình theo đuổi nghề này, với đúng nghĩa đích thực của khái niệm KTS, cũng đã được nửa đời, hỉ nộ ái ố đã gặp đủ cả. Hôm nay, nhân ngày Kiến trúc Việt Nam, mình muốn có vài dòng tản mạn về nghề nghiệp của mình với các bạn ngoài nghề. Những chuyện này thì anh chị em trong giới đều hiểu cả, cũng chém gió, đấu tố... đủ kiểu ở quán bia hay báo chí chuyên ngành, chắc chả đến được tai những người ngoại đạo. Đầu tiên phải nói đến cái tên của ngày kỷ niệm, ngày “Kiến trúc Việt Nam” hay ngày “Kiến trúc sư Việt Nam”? Đã có những tranh luận về khái niệm kiến trúc hay KTS. Đây nguyên là ngày thành lập Hội KTS VN 27/4/1948, là ngày để tôn vinh các KTS, tức là những người sáng tạo ra các công trình kiến trúc, chứ không phải là ngày để tôn vinh các công trình kiến trúc và những người liên quan, như cái tên đang có. Tương tự vậy, ngày “Nhà giáo VN” chứ không phải ngày “Giáo dục VN”, ngày “Thương binh liệt sỹ” chứ không phải ngày “Quân đội VN” (đã có ngày khác). Khái niệm đơn giản như vậy mà mà chính những nhà quản lý, lập ra ngày KTVN còn chả để ý nữa là nhân dân!

Trong mắt của nhiều người ngoài nghề thì kiến trúc với KTS rất khó phân biệt, thậm chí còn lẫn lộn với cả KS xây dựng hay KS thiết kế cơ điện công trình, vì mấy ông này cũng góp phần không nhỏ để tạo nên công trình kiến trúc. Đau nhất là bà con còn nhầm cả KTS với nhà thầu xây dựng, thực tế là số công trình nhà ở do thợ xây “thiết kế” còn nhiều gấp 10 lần số công trình do KTS thiết kế! Nhiều công trình lớn nhưng ít đòi hỏi về kiến trúc như công trình công nghiệp thì gần như các KS thiết kế luôn, KTS tham gia cho...đúng luật mà thôi. Hiện nay, trong suy nghĩ của nhiều người, thì vai trò của KTS vẫn thấp hơn vai trò của nhà thầu. Lý do đơn giản là vì nhà thầu tạo ra “của cải vật chất” những thứ mà họ có thể sờ mó được, nên đáng đồng tiền bát gạo hơn. Còn mấy ông KTS, sản phẩm chỉ có 1 tập giấy, mà bán đắt lòi, nếu mình không ưng thì cũng là tập giấy lộn. Mà bây giờ khoa học phát triển, máy tính nó vẽ hết ấy mà, các ông ấy có phải làm gì đâu, nhập số liệu vào là phần mềm nó khắc chạy ra bản vẽ, nhàn tênh, sao mà vẫn tính phí cao thế? Có ai bảo cave là khổ? Tôi vẽ nhà còn khổ hơn cave. Thật vậy, 2 nghề này có điểm giống nhau là đều phải làm cho khách hàng sung sướng, nhưng vì đều tạo ra những giá trị phi vật thể nên dễ bị bùng tiền. Khách hàng sau khi sung sướng, nhất là khi chưa được thỏa mãn, là rất hay lật kèo. Chị em cave thì thường có bảo kê hay đòi tiền trước 100%, nếu gặp khách lạ. Nhưng giới KTS thì thường nể nang, bảo kê thì thường thiếu trách nhiệm, lại không đủ uy tín (trong giang hồ) để bảo vệ anh em, mà cũng chả KTS nào đủ bản lĩnh để đề nghị ứng trước 100% thiết kế phí. Đối với nhiều người, ăn cắp chất xám không phải là ăn cắp. Nghề KTS chứa nhiều rủi ro, không trải toàn hoa hồng như nhiều người nghĩ đâu. So sánh chi tiết 2 nghề này thì nhiều người đã thống kê, mình không nhắc lại nữa. Mọi người có thể xem ở đây http://yume.vn/ngohongduong/article... Người Việt mình vốn không đánh giá cao các nghề về nghệ thuật, trong lịch sử người ta chỉ nói đến sỹ, nông, công, thương, chả thấy nghệ đâu. Giờ này chả ai biết KTS nào thiết kế thành Thăng Long, thành Huế...trong khi đó, bọn Tây vẫn biết tên KTS nào thiết kế đền Parthenon ở Hi lạp, xây từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Thêm nữa, người Việt cũng không đánh giá cao chất xám hay các sản phẩm trí tuệ, chỉ chú trọng đến các sản phẩm vật chất. KTS là 1 nghề dở ông dở thằng, có dính tý nghệ thuật, nên cũng không ngoại lệ. Chuyện này hay gặp trong giới KTS, tôi là KTS, bạn tôi buôn điện thoại di động. Bạn tôi xây nhà, bảo tôi thiết kế, thông thường tôi giảm 30-50% thiết kế phí, thậm chí free (tùy độ giàu của bạn), quy ra thóc cũng phải từ 10-50 triệu, tùy quy mô công trình. Bạn OK, cám ơn nhé, có ông cũng chả cần cám ơn, vì đương nhiên phải thế! Đến khi tôi cần mua điện thoại, tôi bảo bạn “Mày cho tao cái iPhone 6 plus nhé, tao thích cái đó!”. Bạn có thể vả tôi vỡ mồm, may ra bạn giảm cho 2 triệu! Tôi hiểu đó là điều đương nhiên, nên tôi chả dám đề nghị khiếm nhã thế bao giờ. Bạn có thể tặc lưỡi bùng tiền hoặc xin 1 bản thiết kế đáng 20 triệu, không vấn đề gì. Nhưng nếu bạn ăn cắp 1 con chó, có thể bạn sẽ bị thiêu sống! Với lịch sử như vậy, người Việt mình, chính là khách hàng của bọn mình, cơ bản không có nhiều kiến thức về nghệ thuật. Cũng vì không coi trọng nghệ thuật nên trong các trường phổ thông, các môn nghệ thuật bị coi rẻ, chỉ các môn khoa học cơ bản hay môn văn còn được chú trọng, bởi vì các môn đó quan hệ mật thiết đến cơm áo gạo tiền. Các phụ huynh thường dạy con, mày học dốt toán, dốt văn thì sau này đi ăn mày, hót rác, chả ai mắng con dốt vẽ hay nhạc như thế cả. Vì dốt mấy môn đó cũng chả hề gì. Dốt cũng được, còn có thời gian tập trung học các môn “văn hóa”. Mình nhớ hồi phổ thông học nhạc thì chỉ đồ rê mi vớ vẩn, rồi hát các bài hát được định hướng sẵn, thế thôi. Còn môn vẽ thì hồi lớp 6-7 giờ đó, có bài vẽ cái chai. Cô giáo bắt kẻ ô rồi vẽ cái chai như vẽ bản đồ. Mình không thích thế, cứ nhìn cái chai rồi vẽ lên giấy, không kẻ ô, cô mắng cho 1 trận vì vô kỷ luật. Hết cấp 2 là thôi, chả có khái niệm mỹ thuật gì trong đầu. Năng khiếu mỹ thuật của mình bộc lộ là do đọc và vẽ truyện tranh Tây Du Ký, Tam quốc, thấy giống giống. Với cả hồi cấp 3 thỉnh thoảng mình ký tên phụ huynh thay bố mẹ 1 số thằng, thế tức là có năng khiếu vẽ chữ ký! Thế là đi học vẽ 2 tháng rồi thi kiến trúc như ai, may mà đỗ. May nữa là vì mình cũng có nền tảng tốt về các môn khoa học nên sau này hành nghề cũng đỡ khổ. Rất nhiều người, đến giờ này vẫn nghĩ là để thành KTS chỉ cần vẽ đẹp, rất sai lầm. KTS ngày nay cần khả năng cảm thụ cái đẹp và hiểu biết về khoa học, xã hội hơn là vẽ giỏi, vì đã có máy tính trợ giúp nhiều rồi. Mình đã gặp 1 khách hàng, cậu ấy rất hiểu về nghệ thuật, thậm chí hiểu hơn cả nhiều KTS, nếu được học mấy phần mềm đồ họa, khéo cậu ấy tự vẽ được nhà. Nhưng ngược lại, cậu ấy lại rất tôn trọng KTS, không hề áp đặt. Thông thường, những khách hàng hay áp đặt lại là những người không hiểu (mà tự cho là hiểu). Người Việt mình, bao gồm cả KTS nhé, vì thiếu nền tảng về nghệ thuật, nên cái đẹp đối với họ là những cái quen mắt. Trong mắt nhiều người, kiến trúc Pháp cổ là chuẩn mực ở mọi thời đại, không bao giờ cũ (đúng thật, vì nó đã quá cũ!), tương tự vậy với nội thất Đồng Kỵ. Vì thế nên nhà Pháp cổ với nội thất Đồng Kỵ là tiêu chuẩn cho nhà ở, nhất là ngoài Bắc. Khi không có nền tảng thì người ta sẽ chia làm 2 thái cực. Nhóm 1, đa phần là người Bắc, thì hay thích áp đặt, chắc vì ngoài Bắc có lắm sỹ phu. Họ thường quy nạp, mình đã biết nhiều thứ rồi, đương nhiên phải biết cả kiến trúc. Hồi xưa mình gặp 1 ông bạn của bố mình, ông ấy là GS TS ở 1 trường ĐH lớn ở HN. Lúc trà dư tửu hậu, ông ấy bảo, bác mới mua mảnh đất, rồi tự xây nhà, đơn giản mà, hỉ hả lắm. Mình gật gù, bác giỏi thật. Với suy nghĩ của nhiều người khác thì thiết kế nhà cũng rất đơn giản, ngàn năm nay ông cha ta cũng tự thiết kế nhà có sao đâu. Bây giờ ta nối tiếp truyền thống ông cha. Hôm trước tết, mình vào nhà 1 người quen mới xây. Anh ấy bảo, ôi dồi, anh xem mẫu trên mạng, rồi bảo thằng em KTS nó vẽ lại theo ý anh. Mình có 1 nguyên tắc, là đi thăm nhà mới xây, tuyệt đối chỉ khen hoặc cười, không bao giờ chê, vì chê là phá hoại và bất lịch sự. Nếu người ta nhờ mình góp ý bản vẽ, thì mình mới chê, nếu cần. Thế mới thấy làm KTS ở VN khó như làm huấn luyện viên bóng đá ở Brazil. Thuyết phục chủ nhà thế nào là xấu, thế nào là đẹp rất là phức tạp, vì cái đẹp đã không có chuẩn mực mà người ta lại chả được học về nghệ thuật. Đôi khi phải dùng phong thủy để biện minh cho cái đẹp, vì chủ nhà vốn sợ phong thủy hơn là hiểu thế nào là đẹp! Nhóm thứ 2, thường là người Nam, chắc tại dân Nam ít học hơn dân Bắc! Dân Nam khi đã không biết thì thường phó mặc cho KTS muốn làm giời làm bể gì cũng được. Thậm chí để KTS xây nhà cho cây ở là chính, chủ nhà ở dưới cái chậu cây! KTS vác nhà mình đi thi lấy giải, mình cải tạo nhà để ở sau. KTS SG thật sướng, anh em KTS HN gato vô cùng. Còn nhiều chuyện muốn nói nữa, nhưng lảm nhảm dài quá rồi nhỉ? Thế thôi, không nhiều người lại dỗi! Rất may mắn là gần đây suy nghĩ của nhân dân cũng thay đổi nhiều rồi. Nhiều người cũng thấy cần có KTS vẽ nhà, cũng hiểu biết về nghệ thuật kiến trúc hơn do được tiếp xúc nhiều hơn với những trường phái nghệ thuật khác với kiến trúc Pháp và nội thất Đồng Kỵ. Mình thấy cần phải cám ơn hãng Apple, vì hãng này đã tạo ra và phổ cập 1 trào lưu nghệ thuật mới, nghệ thuật của sự đơn giản. Nó có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của nhiều người. Khi đã dùng Macbook và iPhone thì nên ở trong nhà hiện đại chút cho cùng tông! Nhiều gia đình cũng muốn đào tạo con cái về nghệ thuật. Chính vì thế, tuy nghề KTS gần đây cũng mạt, nhưng mình vẫn chưa bỏ, vì vẫn còn tin vào tương lai tươi sáng hơn. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống thì KTS còn hơn nghề ngân hàng! Bây giờ NH tuy toàn đại gia, nhưng mà thấy bảo độ chục năm giữa thì cũng tèo vì ngân hàng điện tử. KTS có 1 cái rất hay, vì độ hoang tưởng cao là không ai bằng!

Nhận xét