Việt Nam đánh nhau với quân Xiêm mấy lần?

Chắc đa số chúng ta được dạy lịch sử là chỉ đánh nhau 1 lần, rất  hoành tráng, Nguyễn Huệ đại phá khoảng 2 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Trận này chắc ai cũng biết rồi, đại khái nguyên do là Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh thua nên đi cầu viện Xiêm La, "cõng rắn cắn gà nhà".

Thế nhưng, không tính thời các chúa Nguyễn, thực tế còn 3 lần quân Việt thắng quân Xiêm nữa, vào thời nhà Nguyễn, mà sách sử bây giờ lờ đi ít nói đến, chắc tại vì công lao nhà Nguyễn mà lại ảnh hưởng quan hệ ngoại giao với Campuchia!

Lần 1 vào thời Minh Mạng, khi Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định) nổi loạn, chiếm hết cả 6 tỉnh Nam Kỳ được 1 thời gian ngắn. Vua Minh Mạng mới đem quân triều đình đi đánh dẹp, lấy lại được mấy tỉnh và vây thành Gia Định. LVK liền cầu viện Xiêm La. Năm 1833, quân Xiêm sang đánh nước ta, chia quân làm 5 đạo, sách không nói cụ thể là có bao nhiêu quân, nhưng thấy về quy mô có vẻ như còn rầm rộ hơn hồi đánh Tây Sơn. Vì thời Tây Sơn quân Xiêm chủ yếu tập trung đánh đường thủy, nên bị Nguyễn Huệ đại phá có 1 trận Rạch Gầm - Xoài Mút là đã thua chạy về. Quân Xiêm đi cả đường bộ sang nhưng ít, không có trận nào to. Lần này quân Xiêm kéo sang bằng cả đường biển đánh Hà Tiên, đường sông, đường bộ chiếm Chân Lạp, đi qua Lào để đánh Cam Lộ và Trấn Ninh  (cạnh Nghệ An, sau Pháp cắt trả về Lào). Quân Xiêm đã chiếm được Hà Tiên (lúc đó là 1 trong 6 tỉnh Nam Kỳ), diện tích bao gồm cả Cà Mau, Bạc Liêu bây giờ, chiếm cả Chân Lạp (lúc đó do Đại Nam bảo hộ) và đe dọa cả Châu Đốc, An Giang. Đại khái là thế rất mạnh. Tướng giặc là Phi Nhã Chất Tri.

Vua Minh Mạng cắt cử các tướng chia nhau chống đỡ cả mấy mặt, quân Xiêm thua to phải chạy về. Quân ta, do Trương Minh Giảng chỉ huy, nhân thể đuổi theo chiếm lại Chân Lạp, đuổi quân Xiêm về đến Biển Hồ (Tole Sap) mới thôi. Sau khi chiếm lại được thành Nam Vang, Trương Minh Giảng mới đóng quân ở lại Chân Lạp, đổi Nam Vang (Phnompenh) thành Trấn Tây thành, coi như xóa sổ nước Chân Lạp, Đại Nam chiếm khoảng 2/3 đất Campuchia bây giờ, 1/3 phía Tây còn lại do Xiêm chiếm.

Sau trận thắng này, mấy tiểu quốc thuộc đất Lào bây giờ cũng xin Đại Nam bảo hộ.

Năm 1840, vua Minh Mạng mất, dân Chân Lạp lại nổi lên, vì quan quân nước ta bóc lột dân bên đó tàn ác quá. Dân Miên ở Nam Kỳ cũng nổi loạn liên miên, từ cuối thời Minh Mạng đã loạn rồi, vì dân Miên ở Nam Kỳ quá đông, lại sống tập trung và bị dân Việt kỳ thị. Năm 1841, vua Thiệu Trị thấy dân Miên nổi lên nhiều quá, dẹp chỗ này lại nổi lên chỗ khác nên phải rút quân từ Trấn Tây thành về. Ông Trương Minh Giảng đau buồn quá mà phát bệnh chết ở An Giang. Thời VNCH, Trương Minh Giảng được đặt tên đường to ở SG, sau 75 đổi thành Lê Văn Sỹ. Chắc tại ông này làm quan cai trị hà khắc bên Cam, đặt tên đường to cũng ảnh hưởng hòa khí!

Quân Đại Nam rút về rồi thì quân Xiêm lại sang chiếm Trấn Tây thành rồi lại đánh nước ta vào năm 1842. Vua Thiệu Trị cử Nguyễn Tri Phương ra chống, quân Xiêm thua to phải chạy về giữ Trấn Tây.

Năm 1845, Nguyễn Tri Phương và Võ Văn Giải kéo quân sang đánh Xiêm, đuổi quân Xiêm về Oudong, quân ta chiếm lại Trấn Tây, sau đó Đại Nam và Xiêm ký hòa ước, không đánh nhau nữa. Năm 1847, năm Thiệu Trị thứ 7, tái lập nước Chân Lạp, xóa bỏ Trấn Tây thành. Chân Lạp lúc đó nhận bảo hộ của cả Xiêm và Đại Nam. Kể từ đó dân Miên ở Nam Kỳ và Chân Lạp mới không nổi loạn, Xiêm và Đại Nam cũng không còn đánh nhau lần nào nữa.

Như vậy, vua Minh Mạng đánh thắng quân Xiêm, hệ quả là mở rộng lãnh thổ Đại Nam thành lớn nhất trong lịch sử. Xét về công lao còn to hơn Nguyễn Huệ đánh thắng quân Xiêm, bởi vì Nguyễn Huệ đánh thắng Xiêm thì cũng chỉ là cuộc chiến tự vệ, chả chiếm được thêm tý đất nào, cũng không bảo hộ được Chân Lạp như thời Thiệu Trị và Gia Long hay các chúa Nguyễn xưa kia.

Kể từ thời các chúa Nguyễn, Ai Lao và Chân Lạp bị kẹp giữa Xiêm và Đàng Trong, rồi Đại Nam, hết bị nước này đến nước kia chiếm đóng hay bảo hộ. Nước nào mạnh thì họ theo. Nước ta không chiếm hay bảo hộ cũng không được, vì Xiêm cũng sẽ chiếm và đe dọa lãnh thổ nước ta. Vì thế nên các chúa - vua Nguyễn đều phải dùng 2 nước này làm vùng đệm, y như Tàu dùng Bắc Việt hay Bắc TT làm vùng đệm vậy. Chính sách bảo hộ của VN với Lào và Cam bây giờ thì cũng học từ các vua, chúa Nguyễn mà thôi, nhưng không dám nói thẳng ra là như thế!

Nhận xét